Phỏng vấn ngẫu nhiên trước giờ học: Sinh Viên Hoàng Văn Đ. Khoa Xây dựng, ĐH Xây dựng
- Bạn có hay đi học môn tiếng Anh ở lớp không? Không. Đa số là nghỉ Tống số 20 buổi, nhưng tớ nghỉ hơn chục buổi rồi, vẫn đủ điều kiện dự thi. Hôm nào đến lớp, điểm danh xong rồi thì tớ về luôn. Nhưng giờ bị cô phát hiện ra rồi nên phải cẩn thận. Cô toàn dạy trong giáo trình mà cũng chẳng cho luyện nghe nói. Thời gian đến giảng đường như thế thì ở nhà tự học cho khỏe người. Cô giáo phát âm rất không chuẩn. Dậy chậm, tẻ nhạt. Chỉ có những thằng học dốt thì mới đi học thôi!- Tại sao thế? Tại cô dạy quá chậm như tớ đã nói rồi. Đối với những người biết biết như tớ thì đã là quá chán. Lớp tớ học môn này dốt lắm. Đến đông chẳng qua là môn này nhiều trình, chẳng may bị điểm danh thì chết. Bình thường ngày nào lớp tớ cũng có ít nhất 10 người nghỉ. |
Toàn cảnh: Lớp học gồm 90 sinh viên ngồi trong phòng học giành cho 40 người. Mỗi bàn có ít nhất 6 người ngồi. Tôi là nữ, ngồi lọt thỏm giữa gần 90 sinh viên nam cao lớn lộc ngộc. Phòng học không được trang bị hệ thống âm thanh. Tôi tự hỏi không biết cô giáo giảng bài ở cấp độ giọng nào để cho gần 100 sinh viên nghe được thứ ngôn ngữ quốc tế này…
Tiết 1 (10h15 phút)
Giảng viên bước vào lớp, tôi hồn nhiên nói rất to câu chào “Good morning” giống như khi học ở bao nhiêu lớp tiếng Anh khác. Cả lớp cười ồ, quay lại nhìn khuôn mặt con gái lạ hoắc. “Ở lớp tớ, sinh viên và giảng viên từ lâu đã bỏ đi thủ tục chào hỏi đầu giờ rồi”. Cậu bạn ngồi cạnh tôi tủm tỉm cười giải thích. Không thẹn thùng vì hành động của mình nhưng tôi cũng đỏ dừ cả mặt vì bị cả lớp đổ dồn về phía mình, coi câu chào đó thật ngớ ngẩn.
Trước khi vào lớp tôi cứ lo rằng mình sẽ không hiểu hết được những gì cô giảng về thứ tiếng Anh chuyên ngành xây dựng này, nhưng thật may, giáo viên nói toàn bằng tiếng Việt. “Hôm nay chúng ta sẽ chữa bài tập về nhà từ hôm trước nhé”. Hơn 100 sinh viên bắt đầu sột soạt, cậu bạn tôi thì ung dung ngồi lo tập bài “Nền và Móng” của một môn học khác ra làm. Xung quanh tôi, những sinh viên có vẻ chăm chú nghe giảng lôi bản bài tập photo ra và hí hoáy cầm bút viết.. Những ô trống vẫn còn trắng xóa, chàng sinh viên nói với tôi tỉnh bơ: “Chẳng ai làm bài tập trước ở nhà đâu. Đến lớp, cô giáo chữa thì chép vào để lúc thi có cái mà học thôi. Cô bảo rồi, thi học phần, cô chỉ nhặt nhạnh mấy câu trong bài tập ra làm là xong hết!!!” Tôi à lên một tiếng tỏ vẻ đã vỡ vạc ra vấn đề!
Lớp quá đông, những tiếng con trai thì thầm nói chuyện riêng dù rất nhỏ nhưng chất giọng ồm ồm của hơn 90 con người đã át đi cái giọng khàn khàn của một cô giáo đã ở độ tuổi ngoại tứ tuần. Dù sao, tôi vẫn cố gắng tập trung đôi tai của mình để nghe cô đọc công thức của các câu điều kiện “íp cộng với Pi – 2 cộng ét…”. Tôi thắc mắc “Pi – 2” là gì thì cậu bạn giải thích “Là động từ ở thì quá khứ phân từ 2. Cô giáo tớ hay đọc như thế.”. Bấy giờ, tôi vỡ lẽ ra cấu trúc của câu điều kiện loại 2. “Nào chúng ta muốn nói về việc mình đã làm hết bao nhiêu thời gian thì nói thế nào nhỉ. Ờ, “ít thếch hoặc ít thúc tu cộng ét cộng pe ri ớt cộng vớp ing… (It takes/ took to + Subject + period + Verb – ing). Ví dụ nhé, “ít thếch tu mi tu guỵch….”. Cậu bạn tôi phiên dịch “guỵch” chính là từ “week” khi tôi nhăn trán thắc mắc. “Tớ đã bảo rồi, cô phát âm lạ lắm!”.
Thà ngủ còn hơn học- Ảnh: Sơn Hà |
Mấy cậu sinh viên bàn dưới tôi đã bắt đấu ngáp ngắn ngáp dài, tỏ vẻ mỏi mệt. Trong đầu tôi nhấp nhỉnh những suy đoán rất logic: Đúng là kết quả của một đêm nhảy Audition, chơi Play Station lại thêm với việc chép tiếng Anh thế này thì việc ngủ thật đã cũng là giải pháp tốt để chống “xì - trét”. Trên bục giảng, cô giáo ngồi chống tay vào cằm, đợi sinh viên lĩnh hội xong mấy cấu trúc tiếng Anh cơ bản mà mình vừa tung ra cho lũ học trò. Đúng lúc đó chuông reo.
Tiết 2 (11h15p)
Chuông vào lớp đã điểm, thế nhưng phải 5- 10 phút sau, lớp mới ổn định. Ngoài trời nắng trưa bắt đầu tỏa gay gắt. Cũng đến tầm ăn trưa nên dù mới bước sang tiết hai nhưng gương mặt của những sinh viên đã khá mỏi mệt. Mấy cậu bạn xung quanh tôi ôm bụng kêu đói.
“Nào, nhóm mấy anh ở phía cuối lớp đang nói chuyện riêng kia, làm câu 1 nào. Chuyển từ câu chủ động sang dạng bị động. Ai đã làm bài rồi?” – cô giáo bắt đầu cất cao giọng, át hẳn tiếng ồn ào của lớp.
Không một ai lên tiếng.
Cô đứng chờ một lúc, nhắc đi nhắc lại câu:“Ai nào? Ai nào?”. “Không ai tự động phát biểu à? Thế thì áp dụng luật gọi danh sách nhé”. Một cái tên ngay đầu sổ được xướng lên. Cậu sinh viên đang tủm tỉm cười cúi xuống hộc bàn nhắn tin tanh tách phía cuối lớp giật mình đứng dậy, gãi đầu, gãi tai. “Thôi, nhìn anh, biết là không làm được rồi.” “Thằng này nó đang nhắn tin cho bạn gái đấy cô ạ” – một cậu sinh viên láu lỉnh khác chen vào làm cả lớp cười ồ. Cả cô giáo cũng cười ngặt nghẽo. Thế là cô bèn bắt đầu một tràng dài mà theo như cậu bạn tôi thì đây là điệp khúc quen thuộc của cô rồi “Các anh mà không học là không thi được đâu. Tôi ra đề chỉ ở trong mấy bài kiểm tra này thôi. Nhặt nhạnh mỗi bài trong giáo trình một ít, không học đến khi thi trượt thì dừng trách tôi nhé.”. Nói một hồi về thể thức ra đề thi học phần để răn đe các trò, cô giáo quay lên bảng “chữa” câu 1 bằng cách ghi tất cả các đáp án lên bảng. Ghi xong, cô lại ngồi chống cằm, đợi sinh viên “lĩnh hội” các câu trả lời vào vở.
Nghịch móng tay chờ... hết giờ - Ảnh: Sơn Hà |
Không mang bất kì một cuốn sách, quyển vở nào, một nam sinh viên ngồi sau tôi bắt đầu hì hụi lấy bút chì ra vẽ tranh. Cậu say sưa đến tỉ mẩn. Nhóm cậu bạn tôi tiếp tục lấy máy tính, bàn bạc tính toán mấy con số của bài tập “Nền và móng công trình”. Bàn dưới cùng của lớp, 3/6 nam sinh viên đồng loạt gục mặt xuống bàn ngủ. Cái việc ngủ trên lớp, cũng là cái thú của nhiều sinh viên.
Chữa xong bài 1, cô giáo uể oải chuyển sang bài 2. Chữa được một nửa bài 2, chuông lại reo. Mấy anh chàng học lại ở dưới lớp ý kiến “Cô ơi, điểm danh đi cô”. Vô ích, cô đã đi ra ngoài. Mất hết cả kiên nhẫn, 3 chàng sinh viên đeo balo rất bụi ngồi đợi điểm danh từ tiết 1 đến giờ chán nản rủ nhau ra về. Nhóm khác ở giữa lớp rủ nhau đi ăn trưa. Lớp lộ ra những khoảng trống hoác như tấm vải bị thủng lỗ chỗ.
Tiết 3 (12h15p)
Tiếp tục chữa bài tập. Cô giáo kiên nhẫn viết đáp án lên bảng, thỉnh thoảng giải thích qua loa cho một vài đáp án khó hiểu rồi lại ngồi đợi sinh viên ngồi chép. Những cái đầu bắt đầu gục xuống vì nản, mệt và đói. Tôi cũng buồn ngủ quá, đầu óc trống rỗng quá. Đến giờ phút này tôi đã thấu hiểu cái cảnh chán học và cũng chả trách được tinh thần thiếu học tập của các sinh viên trong lớp. Tôi cũng phải gục xuống bàn một lát cái đã.
Đồng hồ chỉ 10 phút nữa là hết giờ. “Cả lớp mới đi được một nửa chặng đường các bạn ạ. Tức là bài tập có 6 câu thì kết thúc buổi học ngày hôm nay, chúng tớ cùng cô hợp sức mới làm được 3 câu. Có lẽ, phương châm giảng của cô giáo là chậm mà chắc.” – cậu bạn tôi bắt chước giọng của một MC rất hài hước nói nhỏ với tôi như thế.
Ngủ la liệt - Ảnh: Sơn Hà |
“Cô ơi, sắp hết giờ rồi, điểm danh đi cô”. Vậy là cái điều mong mỏi của các bạn sinh viên cũng đã được đáp ứng. Cô giáo điểm danh. Cậu bạn tôi “Có” một tiếng rõ to khi tên mình được xướng. Quay xuống bàn dưới, cậu sinh viên ban nãy cũng đã thở phào tỏ vẻ hài lòng nhìn ngắm bức tranh đã miệt mài vẽ trong suốt 2 tiết học. Bức tranh khá sinh động vẽ một trận kiếm hiệp trong trò chơi điện tử nào đó mà tôi không am hiểu lắm nên không thể gọi tên ra được. Những cái đầu bắt đầu ngước lên, dụi mắt mơ màng, thu sách vở ra về. Buổi học này tôi không được điểm danh, cũng không ngộ được chút kiến thức nào vào đầu, nhưng cũng may mắn thay, tôi hiểu được thế nào là cách dạy và học thụ động trên giảng đường đại học ở Việt Nam.
Mèo Lười: Các bạn đọc xong bài này có ý kiến như thế nào? Ý kiến trên là của 1 bạn SV ĐH Xây dựng, mà ĐH Xây Dựng thì đương nhiên khác với Học viện Ngoại giao của chúng ta, từ chất lượng sinh viên đến chất lượng giảng viên. Mình thấy trường mình giáo viên dạy cũng khá tốt. Các bạn cho ý kiến đi.
Blog của khóa nên để post những thông báo + tài liệu cần thiết. Mình thấy bài này và vài bài khác tuy cũng hay, nhưng lại làm loãng nội dung của blog.
Trả lờiXóaHiếu
p/s: hình như pass hòm mail của khóa đã bị thay đổi, ko bít ai làm và có ý định gì vậy nhỉ?
Trả lờiXóa@Cusut: mình không thấy những bài như này sẽ làm loãng nội dung blog. Hơn nữa nó rất thiết thực cho sinh viên như chúng mình. Còn nếu thêm bạn phản đối thì về sau mình sẽ không post những bài báo như này nữa.
Trả lờiXóa