Pages

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Tâm thư của một sinh viên "khát học" (trích Internet)

Thầy kính mến,

Cũng như các bạn khác, em bước chân vào cổng trường Đại học với niềm háo hức của tân sinh viên sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của bản thân và gia đình. Đứng trước ngôi trường rộng lớn này, em cảm thấy như tương lai tươi sáng đang hiện ra trước mắt. Nhưng tháng đầu tiên trên giảng đường Đại học đã qua đi, niềm vui chưa dứt, nỗi âu lo đã xuất hiện. Em đã không còn cảm thấy hứng thú với việc học tập nữa…

Đêm trước ngày đầu tiên đi học, thậm chí em còn hồi hộp đến mức không ngủ được. Mãi đến gần sáng mới chợp mắt một chút, không ngờ lại lên lớp muộn. Em vừa chạy đến trường vừa lo sợ sẽ bị phạt như hồi cấp 3. Nhưng khi em đến, xin phép vào lớp, thầy vẫn bình thản giảng bài. Rồi 5 phút sau có mấy bạn vào lớp, thầy vẫn giảng. 15 phút sau lác đác thêm mấy bạn nữa thầy vẫn không nói gì. Và lúc ấy em chợt nhớ tới câu nói của chị cùng phòng ký túc xá nói chuyện hồi sáng: “Em cứ đi từ từ thôi, các thầy cô dạy Đại học không để ý đến em đâu”.



"Em đã phải nỗ lực rất nhiều để bước vào cánh cổng Đại học" - Ảnh: Trần Mạnh Cường


Buổi đầu tiên, các bạn muốn làm quen với nhau nên lớp ồn, thỉnh thoảng thầy nhắc nhở, rồi đâu lại vào đấy, thầy không nhắc nữa mà tiếp tục giảng. Bạn ngồi cạnh quay sang cười: “Các thầy cô dạy Đại học dễ tính nhỉ!”. Nhưng rồi có một ngày, vì nghĩ thầy quá dễ tính, lớp em đã đi học muộn đến gần 1/3 số sinh viên. Hôm ấy, thầy đã bắt những người đi muộn này xếp ghế ngồi trước bục giảng và yêu cầu các thành viên còn lại vỗ tay hoan hô những người đi muộn như chào đón các vị đại biểu quốc hội. Trong cái khoảnh khắc đó, khi nhận được những tiếng vỗ tay đầy hoan hỉ, nhận được những ánh mặt đầy miệt thị, những nụ cười giễu cợt của bè bạn, em đã cảm thấy tê dại và nhục nhã vô cùng. Gía như thầy cứ không cho em vào lớp, phạt em bằng những quy chế đã ban hành của nhà trường, thì có lẽ em đã cảm thấy thoải mái và sẽ ghi nhớ để từ sau không đi học muộn nữa. Nhưng sự trừng phạt của thầy khiến cho nhân cách và lòng tự trọng của em bị tổn thương một cách nặng nề. Kể từ đó, em đã nhìn thầy bằng một con mắt khác…

Ngay từ khi đăng ký dự thi, em đã hy vọng sau này mình sẽ được tiếp cận với một phương pháp giáo dục mới mẻ, đầy sáng tạo và năng động của một ngôi trường lớn, giàu truyền thống. Và nơi đây sẽ là cánh cửa để em tiến gần hơn tới nghề nghiệp tương lai. Nhưng tất cả những gì mà một tháng qua em thấy đã không còn khiến em lạc quan như vậy.

Ban đầu chỉ là sự mệt mỏi khi thầy đọc cho chúng em chép quá nhanh, chỉ riêng việc chép thôi cũng không đủ thời gian nên chúng em cũng chẳng kịp hiểu bài. Cũng vì thế mà sự trao đổi giữa thầy và trò hầu như không đáng kể. Tiết học cứ trôi qua đơn điệu và tẻ nhạt. Rồi dần dần cứ như thế, nhiều bạn đã thấy chán. Có bạn đã ngủ gật trong lớp, có bạn đã lôi truyện ra đọc, bạn khác lại ngồi chơi cờ… Có những giờ học sinh viên còn tha hồ nói chuyện, nghe điện thoại, ăn quà vặt thoải mái như đang ở một quá cà phê hay trung tâm vui chơi nào đó chứ không phải trong giảng đường đại học. Bản thân em cũng thấy không thoải mái nhưng vẫn cố ngồi chép vì sợ thi.



" Em thấy hoang mang với cách dạy và học hiện nay..." - Ảnh chỉ có tính chất minh họa


Em vẫn nghe mọi người nhắc nhiều đến đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đến ngay cả các cô giáo dạy cấp 3 của em cũng đã có những thay đổi tích cực cho bài giảng sinh động như sử dụng Power Point trong bài giảng, thảo luận nhóm, cách đặt câu hỏi… Những tưởng khi lên Đại học, sẽ được tiếp cận với nhiều cách học mới, nhưng em lại phải quay trở về thời kỳ đọc – chép như cấp 1, cấp 2. Mặc dù, có giờ học chúng em cũng được tiếp cận với Slide, Power Point với những chiếc máy tính tân tiến, nhưng rút cục, đó chỉ là cách chúng em được ghi bài “ngắn hơn”.

Em đã từng tự an ủi mình rằng có lẽ tại môn này nó chán thế thôi, chứ không phải tất cả các môn đều vậy và cũng không phải là tại thầy. Nhưng càng học em càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc tiếp nhận bài giảng. Đã vậy, có những kiến thức đã “nóng hổi” từ vài chục năm trước nhưng vẫn được thầy nói đi nói lại như những dẫn chứng điển hình cho bài học. Mặc dù là hơi sớm nhưng em bắt đầu thấy lo lắng cho những năm học sắp tới. Thậm chí đã có lúc em nghĩ phải chăng mình đã ngồi nhầm trường nên mới có tâm lý này.

Thưa thầy! Nếu tình trạng này kéo dài, em sẽ tự đánh mất giấc mơ Đại học của mình. Nhưng điều khiến em lo sợ hơn cả, là em sẽ biến thành một cái máy chỉ biết học thuộc lòng những chân lý đã được định sẵn, những kiến thức lạc hậu từ những cuốn giáo trình ra đời cách đây 40 năm, để đạt được một tấm bằng đại học khá giỏi. Và trong suốt quãng đời còn lại, em sẽ chẳng bao giờ dám nói KHÔNG trước khi biết gật đầu đồng ý, chẳng bao giờ dám nghĩ, dám nói và dám sống bằng con người THẬT của mình trước những vấn đề của cá nhân và của cả cộng đồng, xã hội. Và rồi, sự ổn định, nhàm chán, kiểu sống cam chịu và vâng lời mà em đã hấp thu suốt những năm tháng sinh viên sẽ dần dần bào mòn và giết chết cái Tôi, giết chết những ước mơ, những khát vọng, những thực thể sống động làm nên ý nghĩa tồn tại của cuộc đời em. Em quả thực không dám nghĩ, nếu cứ dạy học trò kiểu này, không biết nền giáo dục của chúng ta sẽ còn giết chết bao nhiêu tâm hồn, bao nhiêu ước mơ và khát vọng nữa đây? Em nói ra tất cả những điều này chỉ mong nhận được một sự sẻ chia và giúp đỡ. Sau đây em có một số ý kiến đề đạt với thầy:



Đừng làm thất vọng những giấc mơ - Ảnh: Trần Mạnh Cường

Một là chúng em muốn khi bắt đầu mỗi môn học, thầy sẽ phác thảo cho chúng em nội dung chính, những yêu cầu, hướng dẫn phương pháp học, tài liệu tham khảo và cách khai thác thông tin từ các tài liệu tham khảo này. Như thế chúng em sẽ chủ động hơn trong quá trình học.

Hai là chúng em muốn thầy đặt ra nhiều câu hỏi hơn để chúng em suy nghĩ thay vì việc thầy cứ thuyết trình cả buổi, quá trình ấy sẽ giúp chúng em nắm vững bài giảng. Mong thầy cũng cho phép chúng em được phép đặt câu hỏi với thầy để hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề chúng em chưa rõ và thậm chí là để mở rộng vấn đề.

Ba là thầy có thể kết hợp nhiều phương pháp trong một bài giảng thay vì chỉ đọc cho chúng em ghi chép bài. Chẳng hạn như thảo luận, thuyết trình, làm việc nhóm…

Bốn là trong mỗi nội dung của bài giảng, em muốn được thầy cung cấp cho thật nhiều ví dụ từ thực tế, cập nhật những kiến thức mới của đất nước và thời đại…

Năm là xin thầy hãy hướng dẫn chúng em cách tự học, tự nghiên cứu, tự làm những project, tự bảo vệ, thuyết trình trước lớp

Điều thứ sáu mà em mong đợi và kỳ vọng nhất, đó là sự đổi thay trong cách tư duy và đối xử của thầy trong quan hệ giữa THẦY VÀ TRÒ. Đã đến lúc, chúng em đòi hỏi mối quan hệ giữa thầy và trò trong giảng dạy, nghiên cứu phải được xây dựng trên một tinh thần dân chủ, tự do, độc lập và có trách nhiệm với nhau. Thầy không phải là bậc bề trên để áp đặt và rao giảng kiến thức mà quá trình học tập phải là một quá trình dân chủ cùng tìm hiểu, cùng khám phá những lâu đài trí thức, trong đó người học phải được đặt ở vai trò chúng tâm. Chỉ có thay đổi về triết lý, tư duy giáo dục như vậy mới là gốc rễ dẫn đến những sự thay đổi khác….

Về phía em, em cũng hứa sẽ hưởng ứng những thay đổi tích cực trong phương pháp của thầy. Chợt nhớ tới những đứa em của em cũng đang miệt mài học tập nuôi ước mơ vào Đại học, em thấy thương quá! Chỉ mong sao đến lúc ấy chúng sẽ không phải thất vọng với giấc mơ của mình...

Cám ơn thầy vì đã lắng nghe những nguyện vọng này của em.

Học trò của thầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét